VTEM BannersVTEM BannersVTEM Banners
Home Sản phẩm Trồng rừng Một số mô hình sản xuất rừng gỗ lớn hiệu quả cao
Tiếng Việt (Vietnamese)English (United Kingdom)
Một số mô hình sản xuất rừng gỗ lớn hiệu quả cao

Bắc Giang: Một số mô hình sản xuất rừng gỗ lớn hiệu quả cao

Trong những năm qua, trồng rừng sản xuất ở các huyện trong tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng từ 6000 - 7000 ha rừng tập trung. Tuy nhiên, diện tích trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn hằng năm đạt thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện kinh tế của các hộ gia đình còn khó khăn nhất là về vốn để đầu tư phát triển sản xuất, diện tích đất lâm nghiệp được giao bình quân mỗi hộ chỉ từ 1 - 2 ha trong khi chu kỳ sản xuất kinh doanh gỗ rừng trồng rất dài, nếu kinh doanh gỗ nhỏ phải từ 6 - 8 năm; còn nếu kinh doanh gỗ lớn phải trên 10 năm, thậm chí trồng cây bản địa như Lim, Lát... phải từ 30 - 40 năm mới có thể khai thác được.

Để có thực tế và làm cơ sở tuyên truyền nâng cao nhận thức và nhân rộng mô hình trồng rừng sản xuất gỗ lớn cho người làm rừng - theo ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang, từ năm 2013 đến nay, Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Sau 3 năm thực hiện, đến nay đã trồng 120 ha. Trong đó, tại huyện Yên Thế đã trồng 10,0 ha; huyện Lục Nam trồng: 16,44 ha; huyện Sơn Động: 45,56 ha; huyện Lục Ngạn: 48,0 ha. Đối với mô hình trồng rừng gỗ lớn, loài cây được trồng là keo tai tượng, thời gian từ khi trồng đến khi khai thác phải từ 12 - 14 năm. Qua 3 năm thực hiện so sánh đối chứng cho thấy, mô hình rừng trồng thâm canh năm thứ 3, tỷ lệ cây sống trên 86% với rừng trồng ngoài mô hình có tỷ lệ sống 82%; sinh trưởng về chiều cao của cây trồng trong mô hình có đường kính gốc bình quân đạt 6,6 cm, cây trồng ngoài mô hình 5,4 cm, tăng trưởng vượt trội hơn về đường kính là 22%; chiều cao vút ngọn bình quân cây trồng mô hình 5,6 m, cây trồng ngoài mô hình 5,4 m, vượt trội hơn về chiều cao là 4%. Như vậy, sinh trưởng của mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn, bước đầu có sự khác biệt về sinh trưởng chiều cao và đường kính so với rừng trồng rừng ngoài mô hình ở trong cùng điều kiện lập địa tương tự nhau. Tuy nhiên, do cây trồng mới ở những năm đầu, sự khác nhau về tốc độ sinh trưởng chưa có khác biệt là mấy. Vì vậy, để có thể đánh giá sự khác biệt vượt trội về sinh trưởng thì cần phải có thời gian theo dõi (5 - 7 năm) thì việc đánh giá mức sẽ rõ rệt và thuyết phục hơn.

Về mô hình chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, kết quả đã thực hiện được 55,0 ha trên địa bàn 04 huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế, với 38 hộ gia đình tham gia. Trong đó: Năm 2014 chuyển hóa 20 ha tại các xã Đồng Tiến huyện Yên Thế: 10 ha; xã Kiên Lao huyện Lục Ngạn 10 ha; Năm 2015 chuyển hóa 35,0 ha tại địa bàn xã Đông Hưng huyện Lục Nam và xã An Lạc huyện Sơn Động 10,0 ha. Biện pháp kỹ thuật chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn là tỉa thưa 2 lần để điều chỉnh mật độ, từ 1.600 cây/ha xuống còn 600 cây/ha: Lần 1 khi rừng trồng được 5 - 6 tuổi, thì tiến hành tỉa thưa để mật độ cây trồng xuống còn 900 cây/ha; tỉa thưa lần 2 khi rừng trồng được 8 - 10 năm tuổi, mật độ xuống còn 600 cây/ha. Ngoài tỉa thưa điều chỉnh mật độ còn tiến hành các biện pháp tỉa cành, chăm sóc, bón phân.

Kết quả theo dõi mô hình chuyển hóa rừng keo tai tượng trồng năm 2010 (rừng tuổi 5): Thời điểm chuyển hóa 11/2014; thời gian đo đếm 5/2016 (sau 17 tháng) cho thấy: Tăng trưởng đường kính bình quân ngang ngực trước thời điểm chuyển hóa (tháng 11/2014) là 8,7 cm. Sau khi chuyển hóa (tháng 5/2016) đạt 13,5 cm (tăng thêm 4,8 cm), với lô rừng trồng không chuyển hóa, đường kính bình quân chỉ tăng thêm 2,9 cm. Như vậy tăng trưởng về đường kính so với rừng trồng không thực hiện chuyển hóa là 65%. Chiều cao bình quân trước thời điểm chuyển hóa (tháng 11/2014) là 8,2 m. Sau khi chuyển hóa (tháng 5/2016) chiều cao bình quân đạt 9,8 m (tăng thêm 1,6 m), với lô rừng trồng không thực hiện chuyển hóa, chiều cao tăng thêm 1,2 m. Như vậy tăng trưởng hơn về chiều cao so với rừng trồng không thực hiện chuyển hóa là 33%. Trữ lượng bình quân rừng trồng chuyển hóa khi rừng được 6 năm là 135,36 m3/ha, còn đối với rừng trồng không thực hiện chuyển hóa thì trữ lượng bình quân chỉ đạt 117,8 m3/ha (6 năm). Như vậy sau hơn một năm do có sự điều chỉnh về mật cây trồng từ 1.600 cây/ha xuống còn 900 cây/ha, đã tạo không gian dinh dưỡng cho cây, đồng thời có sự chăm sóc, bón phân cho cây nên sinh trưởng của cây rừng có sự khác biệt cả về chiều cao, đường kính. Nếu tính lượng tăng trưởng thực tế bình quân hàng năm, khi rừng trồng được 14 năm trữ lượng ước tính khoảng 300 m3 gỗ/ha, nếu tính theo giá gỗ lớn như hiện nay, thì 1 ha rừng có giá trị khoảng 450 - 500 triệu đồng. Mặc dù việc trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn phải kéo dài thời gian chăm sóc thêm khoảng từ 5 - 7 năm nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người dân gấp nhiều lần so với trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ.

Theo Quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 31/12/2015, toàn tỉnh có tổng diện tích 153.739 ha đất lâm nghiệp. Trong đó, rừng đặc dụng 13.303 ha (8,6%); rừng phòng hộ 20.708 ha (13,5%); rừng sản xuất 119.728 ha (77,9%). Năm 2014 UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Trong đó, định hướng phát triển lâm nghiệp từ nay đến năm 2020 là: Thực hiện làm giàu rừng tự nhiên khoảng 1000 ha; cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt kém chất lượng sang trồng rừng sản xuất 2.300 ha; Trồng 29.000 ha rừng tập trung, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, giống mới vào trồng rừng nhằm nâng cao năng xuất rừng trồng bình quân lên 20 m3/ha/năm; đến năm 2020 diện tích kinh doanh gỗ lớn khoảng 7.200 chiếm 10% trồng diện tích rừng trồng sản xuất.

Nhằm khai thác hiệu quả đất đai, nguồn lao động, thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, người dân giàu lên từ rừng thì cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn; tập trung tuyên truyền, có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thì đây sẽ là hướng đi mang tính đột phá, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ cho kinh tế rừng của tỉnh phát triển.

 

TỔNG CÔNG TY PISICO BÌNH ĐỊNH - CÔNG TY CỔ PHẦN

Địa chỉ: 99 Tây Sơn, phường Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Việt Nam.
Tel: 0256 3947099 - Fax: 0256 3947029 |  Email:   tctypisico@gmail.com