26
Tháng 12 2014
7,5 tỷ đồng thực hiện quản lý dăm gỗ giai đoạn 2014 – 2020
Viết bởi pisico
In

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa phê duyệt Phương án Quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014-2020 nhằm nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước với tổng vốn thực hiện là 7,5 tỷ đồng.

Theo đó, mục tiêu của phương án nhằm quản lý chặt chẽ sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hạn chế tối đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể, phương án được chia làm 2 giai đoạn thực hiện: Giai đoạn 2014-2015, sử dụng không quá 70% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, tăng giá trị gia tăng trên 1m3 nguyên liệu gỗ khoảng 14% so với năm 2013.

Giai đoạn 2016-2020, sử dụng không quá 40% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ. Tập trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và giá trị tăng cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ. Tăng giá trị gia tăng trên 1m3 nguyên liệu gỗ khoảng 54% so với năm 2013.

Về định hướng chung sẽ không phát triển cơ sở sản xuất dăm gỗ đối với các vùng Tây Bắc Bộ, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Đồng thời, từng bước hạn chế các cơ sở sản xuất dăm gỗ ở 3 vùng Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ với sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn trong giai đoạn 2014-2015 và 3,5 triệu tấn ở giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư chế biến gỗ để đến năm 2020 các cơ sở sản xuất ván sợi MDF, ván dăm và viên nén chất đốt đi vào sản xuất với sản lượng đạt khoảng 2,5 triệu tấn sản phẩm/năm và thúc đẩu các nhà máy giấy đạt khoảng 750 nghìn tấn bột giấy/năm, tiêu thụ khoảng 6,5 triệu m3 gỗ nhỏ. Phát triển thêm các cơ sở sản xuất ghép thanh và các loại ván nhân tạo khác và các vật liệu hỗ trợ trong chế biến gỗ.

Bên cạnh đó duy trì ổn định các thị trường hiện có như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và phát triển các thị trường mới như Nga, Trung Đông… Từng bước xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm gỗ Việt Nam tại nước ngoài. Tổ chức các hội chợ chuyên ngành, phát triển thị trường nội địa.

Về chính sách thuế, tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 0% hiện nay lên từ 5-10%. Áp mức thuế giá trị gia tăng là 10% và thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% đối với các doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ.

Đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lâm nghiệp, nông thôn phát triển các cơ sở chế biến sử dụng gỗ rừng trồng trong nước để sản xuất các sản phẩm mộc có giá trị cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trong 5 năm đầu khi bắt đầu sản, với cơ chế hoàn lại toàn bộ thuế giá trị gia tăng; miễn tiền thuê đất khi xây dựng nhà máy, hỗ trợ 50% cước phí vận chuyển nguyên liệu.

Nguồn: http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=28340739&cn_id=692254